45 Rô-ma

2,065 views

Đoạn: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | Phần Giới Thiệu

Giới Thiệu Thư Rô-ma

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjIzNDEzMDZf

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11601-gioithieuthuroma
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/q19q6p8109h3vav/11601_GioiThieuThuRoma.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Người Viết:

Danh từ “Rô-ma” còn được phiên âm là “La-mã,” là tên gọi thủ đô của nước La-mã từ năm 753 trước Công Nguyên (TCN). Ngày nay, Rô-ma là thủ đô của nước Ý-đại-lợi. Thư Rô-ma trong Thánh Kinh là một lá thư do Sứ Đồ Phao-lô gửi cho con dân Chúa tại thành Rô-ma. Ngay trong câu đầu tiên (1:1), Sứ Đồ Phao-lô đã xác nhận: “Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Giê-xu Ki-tô, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa.” Dầu vậy, người cầm bút ghi chép lại các lời của Phao-lô cho thư Rô-ma là Tẹt-tiu (16:22).

Là một sứ đồ nhưng Phao-lô không thuộc về 12 sứ đồ đi theo Đức Chúa Giê-xu Ki-tô trong thời gian Chúa rao giảng Tin Lành; trái lại, trong thời kỳ Hội Thánh mới được thành lập, ông là người tích cực bắt bớ Đạo Chúa. Ông là người I-sơ-ra-ên, thuộc dòng dõi Bên-gia-min, theo phái Pha-ri-si, được sinh ra tại thành Tạt-sơ (ngày nay thuộc vùng trung nam nước Thổ-nhĩ-kỳ) vào khoảng năm thứ 2 TCN và tử đạo tại Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 68. Tên trong tiếng Hê-bơ-rơ của ông là Sau-lơ. Tuy được sinh ra ở nước ngoài nhưng ông được nuôi dưỡng và lớn lên tại Giê-ru-sa-lem, học về kinh luật, tức Thánh Kinh Cựu Ước, với một trong những giáo sư nổi tiếng thời bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:3). Thánh Kinh không ghi lại việc Phao-lô có kết hôn hay không. Tuy nhiên, theo phong tục thời bấy giờ, một người Pha-ri-si và thành viên của Tòa Công Luận phải là một người đã lập gia đình, vì thế, rất có thể Phao-lô đã lập gia đình nhưng vợ của ông đã qua đời trước khi ông tin nhận Chúa. Trong thư I Cô-rinh-tô 9:5, Phao-lô có đặt ra câu hỏi là: chẳng phải ông và các đồng sự của ông cũng có quyền dắt vợ đi khắp các nơi như các sứ đồ khác, các anh em của Chúa, và Phi-e-rơ hay sao, hàm ý rằng: Phao-lô và các cộng sự của ông, như Ba-na-ba, Si-la, Ti-mô-thê, Tít đều sống độc thân.

Tên Phao-lô lần đầu tiên được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9, và kể từ đó, Thánh Kinh dùng tên Phao-lô để gọi ông. Ông cũng tự xưng là Phao-lô trong các thư tín do ông viết. Tên Sau-lơ là một phân từ trong tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “cầu xin” hoặc “nài nỉ.” Tên Phao-lô là tên trong tiếng La-mã và có nghĩa là “nhỏ” hoặc “ít.” Những người Do-thái sống tha hương thời bấy giờ có thói quen đặt cho con một tên theo tiếng Hê-bơ-rơ và một tên theo tiếng ngoại quốc. Rất có thể cha mẹ của Phao-lô đã theo thói quen ấy mà đặt tên cho ông, nhất là khi gia đình của Phao-lô giàu có, sống trong một thành phố danh tiếng và có quốc tịch La-mã (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:39; 22:25). Về ý nghĩa của tên thì có lẽ cha mẹ Phao-lô hiếm muộn, phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một con trai để nối dõi, nên khi ông được sinh ra thì họ đặt tên tiếng Hê-bơ-rơ cho ông là “Sau-lơ.” Vì gia đình Phao-lô có quốc tịch La-mã nên cha mẹ ông cũng chọn đặt một tên La-mã cho ông và họ đã chọn tên “Phao-lô,” có lẽ, vì ông được sinh ra với một vóc dáng nhỏ bé. Trước Công Vụ các Sứ Đồ 13:9 Thánh Kinh dùng tên Sau-lơ để nói đến ông, có lẽ, vì mọi việc liên quan đến ông là ở giữa cộng đồng Do-thái. Sau đó, Thánh Kinh dùng tên Phao-lô để nói đến ông và chính ông trong các thư tín cũng xưng mình là Phao-lô, có lẽ, vì từ đó trở đi, mọi việc liên quan đến Phao-lô là ở giữa dân ngoại.

Sứ Đồ Phao-lô công bố rằng ông nhận lãnh Tin Lành trực tiếp từ Đức Chúa Giê-xu Ki-tô (Ga-la-ti 1:12) và từ buổi ban đầu Đức Chúa Trời đã biệt riêng ông ra để ông rao giảng Tin lành cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:7). Trong các thư tín của ông và trong suốt các hành trình truyền giáo, Phao-lô đã rao giảng một Tin Lành đến từ Đức Chúa Trời của dân I-sơ-ra-ên, khiến cho vô số người dân ngoại tin nhận và được cứu rỗi. Phao-lô đã rao giảng cho cộng đồng của những người dân ngoại tin nhận Chúa về sự vâng giữ mọi điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh, ngoại trừ những luật liên quan đến các nghi thức tế lễ và luật kiêng cữ các thức ăn không tinh sạch, là những luật hình bóng về sự chuộc tội và thánh hóa mà Đức Chúa Giê-xu Ki-tô đã hoàn thành cho nhân loại. Nổi bật nhất trong các thư tín của Phao-lô là thư gửi cho con dân Chúa tại Rô-ma. Đức Thánh Linh đã thần cảm Phao-lô hệ thống và trình bày thần học qua thư Rô-ma về ba phương diện chính của sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, tức là Tin Lành: Phương diện được xưng nghĩa, phương diện được tái sinh, và phương diện được thánh hóa.

Trong Ga-la-ti 1:17, 18, Phao-lô nói đến việc sau khi tin nhận Đức Chúa Giê-xu Ki-tô ông đã đi qua xứ A-ra-bi rồi trở về thành Đa-mách thay vì đến thành Giê-ru-sa-lem. Sau đó ba năm ông mới đến Giê-ru-sa-lem, ở với Sứ Đồ Phi-e-rơ 15 ngày và gặp Gia-cơ, em của Chúa. Thánh Kinh không ghi lại chi tiết về chuyến đi A-ra-bi của Phao-lô nhưng một số nhà giải kinh cho rằng Phao-lô đã đến núi Si-na-i, giữa đồng vắng Si-na-i, để cầu nguyện và suy nghiệm Thánh Kinh. Có lẽ, chính trong khoảng thời gian ba năm đó, Phao-lô đã được Đức Chúa Giê-xu Ki-tô mạc khải về Tin Lành cho ông (Ga-la-ti 1:12).

Trong II Cô-rinh-tô 12:1-4 Phao-lô ghi lại việc ông được lên đến tầng trời thứ ba, tức thiên đàng, nghe những lời không thể nói mà cũng không được phép thuật lại. Vì sách II Cô-rinh-tô được viết vào năm 57 mà Phao-lô kể rằng sự hiện thấy của ông xảy ra 14 năm trước đó, cho nên, rất có thể sự hiện thấy của Phao-lô xảy ra vào năm 43, lúc ông cùng Ba-na-ba đem tiền cứu đói về Giê-ru-sa-lem, trong một lần ông cầu nguyện trong đền thờ và bị ngất trí (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:17-21).

Dưới đây là biên niên về cuộc đời của Phao-lô:

  • Năm 2 TCN: được sinh ra tại thành Tạt-sơ, tỉnh Si-li-si, thuộc Đế Quốc la-mã.

  • Năm 15: lúc 16 tuổi được cha mẹ đưa về Giê-ru-sa-lem, học với Giáo Sư Ga-ma-li-ên.

  • Năm 30: sau khi Chúa thăng thiên, thì Sau-lơ là một trong những người Pha-ri-si đứng đầu việc bách hại những tín đồ của Chúa.

  • Năm 32: dự phần trong việc giết chết Ê-tiên, thánh đồ tử đạo đầu tiên trong Hội Thánh.

  • Năm 33: khi Sau-lơ đang trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách để bách hại Hội Thánh của Chúa, Ngài đã từ trời phán gọi ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 9). Ánh sáng từ trời đã khiến ông bị mù trong ba ngày, sau đó, ông được chữa lành, chịu báp-tem, và bắt đầu rao giảng rằng: “Đức Chúa Giê-xu, người Na-xa-rét, là Đấng Ki-tô, con Đức Chúa Trời.”

  • Năm 33 đến 36: đi qua xứ A-ra-bi và có lẽ được Chúa giảng dạy tại núi Si-na-i trong ba năm.

  • Năm 36: vào mùa xuân, đến Giê-ru-sa-lem, ở lại với Phi-e-rơ 15 ngày và gặp Gia-cơ, em của Chúa.

  • Năm 36 đến 40: ở tại Tạt-sơ trong bốn năm.

  • Năm 41: Ba-na-ba đến Tạt-sơ tìm Phao-lô để mời ông đến chăm sóc cho Hội Thánh dân ngoại mới lập tại An-ti-ốt. Phao-lô và Ba-na-ba ở tại An-ti-ốt từ mùa hè năm 41 cho đến mùa xuân năm 42.

  • Năm 42: Phao-lô và Ba-na-ba đem tiền cứu trợ của Hội Thánh dân ngoại về Giê-ru-sa-lem để cứu đói các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem.

  • Năm 44: đầu mùa xuân, Phao-lô, Ba-na-ba, và Mác (cháu của Ba-na-ba) từ Giê-ru-sa-lem về lại An-ti-ốt. Cuối mùa xuân, Đức Thánh Linh chỉ định Phao-lô và Ba-na-ba làm sứ đồ rao giảng Tin Lành cho dân ngoại.

  • Năm 44 đến 46: Phao-lô, Ba-na-ba, và Mác bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ nhất (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:4-52; 14:1-25).

  • Năm 46 đến 49: sau khi hoàn thành chuyến truyền giáo lần thứ nhất, Phao-lô và Ba-na-ba ở lại thành An-ti-ốt xứ Sy-ri từ mùa thu năm 46 đến cuối mùa hè ngăm 49. Mùa hè năm 49, Phao-lô và Ba-na-ba trở về thành Giê-ru-sa-lem để trình bày với các sứ đồ và trưởng lão về việc các tín đồ gốc Do-thái Giáo đến An-ti-ốt dạy cho tín đồ dân ngoại rằng: phải chịu phép cắt bì mới được sự cứu rỗi. Mùa thu năm 49, Phao-lô và Ba-na-ba có cuộc tranh cãi về việc Phao-lô không cho phép Mác được tham dự trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, vì giữa chừng trong chuyến đi trước đó, Mác đã tự ý bỏ về lại Giê-ru-sa-lem. Cuộc tranh cãi đó khiến cho Phao-lô và Ba-na-ba phân rẽ, mỗi người thực hiện một chuyến truyền giáo mới. Cuối mùa thu năm 49, Phao-lô cùng Si-la bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ hai. Vào thời điểm này, Hội Thánh tại Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, và Bê-rê được thành lập. Không bao lâu, Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê bị dân Do-thái theo Do-thái Giáo bách hại, phải rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, đến Bê-rê, rồi đến A-thên.

  • Năm 50 đến 53: cuối mùa thu năm 50, Phao-lô từ A-thên đến thành Cô-rinh-tô và rao giảng Tin Lành trong mỗi ngày Sa-bát. Si-la và Ti-mô-thê cũng đến Cô-rinh-tô phụ giúp Phao-lô. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thành lập và Phao-lô ở lại khoảng một năm rưỡi để giảng dạy cho Hội Thánh Cô-rinh-tô. Cũng trong năm 50, Phao-lô viết thư tín đầu tiên trong Tân Ước là thư I Tê-sa-lô-ni-ca, gửi cho con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca. Thư II Tê-sa-lô-ni-ca được Phao-lô viết vào năm 51. Mùa thu năm 52, Phao-lô về lại Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Tạm rồi quay về thành An-ti-ốt. Mùa xuân năm 53, Phao-lô viết thư gửi cho các Hội Thánh tại Ga-la-ti, nhắc đến sự kiện Sứ Đồ Phi-e-rơ đến thăm Hội Thánh An-ti-ốt và tránh ngồi ăn chung với con dân Chúa người ngoại khi có các tín đồ gốc Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đến, cho nên, Phao-lô đã quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh. Mùa hè năm 53 Phao-lô bắt đầu hành trình truyền giáo lần thứ ba.

  • Năm 54 đến 58: mùa thu năm 54 Phao-lô đến thành Ê-phê-sô và ở lại đó hơn ba năm. Mùa đông năm 56 Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô và mùa hè năm 57 ông viết thư II Cô-rinh-tô gửi cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô. Cuối năm 57, Phao-lô viếng thăm Hội Thánh Chúa tại Cô-rinh-tô và trong thời điểm đó, ông viết thư Rô-ma gửi cho con dân Chúa tại thành Rô-ma. Cuối mùa xuân năm 58, Phao-lô về lại Giê-ru-sa-lem và bị dân Do-thái từ Tiểu Á nổi loạn, bắt và đánh ông vì cho rằng ông giảng dạy nghịch lại truyền thống của Do-thái Giáo. Quân đội La-mã cứu ông ra khỏi đám loạn dân và sau đó 200 lính La-mã áp giải ông đến thống đốc La-mã tại Sê-sa-rê.

  • Năm 58 đến 60: Thống Đốc Phê-lít muốn ăn tiền hối lộ của Phao-lô, cho nên, dù xét thấy Phao-lô không phạm pháp nhưng vẫn giam giữ ông. Trong khoảng thời gian đó, Phao-lô có dịp giảng đạo cho Thống Đốc Phê-lít, Thống Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba. Năm 60, Phao-lô đòi ra mắt Sê-sa, hoàng đế của La-mã về vụ án của ông và được Thống Đốc Phê-tu chấp thuận.

  • Năm 61 đến 62: đầu mùa thu năm 60 Phê-tu giải Phao-lô đến thành Rô-ma cùng với các phạm nhân khác. Chuyến đi này được xem là hành trình truyền giáo lần thứ tư của Phao-lô. Trên đường đi thì bị đắm tàu, Phao-lô và mọi người trôi dạt lên đảo Man-tơ và ở lại đó khoảng ba tháng, cho đến cuối mùa đông mới theo một tàu tại Man-tơ đi đến thành Bu-xô-lơ. Phao-lô ở lại với các môn đồ tại Bu-xô-lơ bảy ngày rồi mới đến thành Rô-ma. Phao-lô được phép thuê một nhà trọ để ở với một người lính La-mã canh giữ ông trong khi chờ đợi được xét xử bởi Sê-sa. Phao-lô ở trọn hai năm tại Rô-ma và công khai rao giảng Đạo Chúa, không bị ai ngăn cấm. Trong thời gian hai năm này Phao-lô viết các thư tín: Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, và Phi-lê-môn. Rất có thể, trước khi viết các thư kể trên, Phao-lô đã viết thư Hê-bơ-rơ vào năm 61, gửi chung cho tất cả những người I-sơ-ra-ên, trước hết là cho những người ở tại Giê-ru-sa-lem, để giúp họ hiểu biết rằng Đức Chúa Giê-xu Ki-tô chính là Đấng Cứu Rỗi đã được Đức Chúa Trời hứa trong Cựu Ước.

  • Năm 63 đến 67: mùa xuân năm 63 Phao-lô được trắng án và được trả tự do. Sau đó, Phao-lô đi đến đảo Cơ-rết rồi đến thành Ni-cô-bô-li. Có thể xem đây là hành trình truyền giáo lần thứ năm và sau cùng của Phao-lô. Có lẽ, tại thành này Phao-lô viết các thư I Ti-mô-thê và Tít vào năm 65. Có lẽ Phao-lô cũng nhân cơ hội này rao giảng Tin Lành tại Tây-ban-nha. Năm 67 Phao-lô bị bắt trong cơn chính quyền La-mã bách hại Đạo Chúa lần thứ nhất, do Hoàng Đế Nê-rông chỉ thị. Phao-lô bị nhốt tù tại thành Rô-ma, và có lẽ đã viết thư II Ti-mô-thê từ trong nhà tù.

  • Năm 68: Phao-lô chết chém vào khoảng tháng năm hoặc tháng sáu năm 68, vào lúc 70 tuổi, trước khi Hoàng Đế Nê-rông của La-mã qua đời vào ngày 9 tháng sáu năm 68.

Thời Gian và Nơi Viết

Rất có thể, thư Rô-ma được Phao-lô viết vào đầu mùa xuân năm 57, trong khi ông đang thực hiện chuyến truyền giáo lần thứ ba và trên đường trở về Giê-ru-sa-lem để mang tiền của các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan và A-chai quyên giúp cho các tín đồ nghèo khó tại Giê-ru-sa-lem (15:25, 26).

Rất có thể, Phao-lô viết thư Rô-ma trong khi ông đang ở tại thành Cô-rinh-tô hoặc ở tại nhà của Gai-út (16:23) tại thành Xen-cơ-rê (cách Cô-rinh-tô khoảng 10km).

Hoàn Cảnh Khi Viết

Cho đến lúc thư Rô-ma được viết ra thì Sứ Đồ Phao-lô chưa bao giờ viếng thăm Hội Thánh tại Rô-ma, mặc dù ông đã nhiều lần có ý định. Phao-lô cho biết ông gặp những sự cản trở khiến ông không thể đến thăm Hội Thánh tại Rô-ma (1:13; 15:22). Lúc thư Rô-ma được viết ra thì công cuộc truyền giáo của Phao-lô ở phía đông Địa Trung Hải đã đến lúc hoàn tất. Vì thế, Phao-lô mong muốn được thăm viếng Hội Thánh của Chúa tại Rô-ma (1:11-12). Tuy nhiên, Phao-lô phải đích thân mang tiền quyên góp của các Hội Thánh dân ngoại về Giê-ru-sa-lem để trao tận tay cho các tín đồ nghèo khó tại đó. Trên đường về Giê-ru-sa-lem, Phao-lô gửi thư cho Hội Thánh Rô-ma để tự giới thiệu mình với Hội Thánh Rô-ma và trình bày các nguyên tắc thần học về sự cứu rỗi, chuẩn bị cho sự ông viếng thăm Hội Thánh trong tương lai.

Những Người Nhận

Những người đầu tiên trực tiếp nhận thư Rô-ma chính là các tín đồ trong Hội Thánh của Chúa tại Rô-ma vào thời điểm thư được viết và gửi đi (1:7). Hầu hết, các tín đồ trong Hội Thánh tại Rô-ma là dân ngoại. Dựa vào Rô-ma 4:1 và đoạn 9 đến đoạn 11 chúng ta có thể tin rằng cũng có một số tín đồ gốc Do-thái tại Hội Thánh Rô-ma.

Ngày nay, thư Rô-ma là sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho mỗi một người tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài.

Chủ Đề

Chủ đề của thư Rô-ma là “Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời Ban Cho Nhân Loại” được Phao-lô giới thiệu ngay từ đầu thư (1:1-6). Thư Rô-ma giải bày chương trình cứu rỗi và sự xưng nghĩa của Đức Chúa Trời ban cho toàn thể nhân loại, không phân biệt người Do-thái hay là dân ngoại (1:16, 17) qua ba tiểu đề:

  • Sự xưng nghĩa bởi đức tin

  • Sự thánh hóa và nếp sống thánh khiết trong Chúa

  • Sự an ninh trong Chúa

Câu Gốc

“Vì tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Ki-tô, là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp; vì trong đó, sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có chép rằng: Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” (1:16, 17).

Mục Đích

Phao-lô viết thư Rô-ma với ba mục đích chính:

1. Tự giới thiệu mình với Hội Thánh tại Rô-ma và đề nghị họ giúp ông thực hiện chuyến truyền giáo đến Tây-ban-nha (1:10-15; 15:22-29).

2. Trình bày các nguyên tắc cơ bản của sự cứu rỗi và nếp sống Đạo cho một Hội Thánh chưa hề có cơ hội nhận được sự giảng dạy của một sứ đồ.

3. Giải thích sự tương quan giữa dân ngoại và dân I-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời.

Nội Dung

Thư Rô-ma được mở đầu bằng lời giới thiệu về Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời ban cho toàn thể nhân loại. Liền theo đó, thư Rô-ma nêu lên tình trạng băng hoại chung của nhân loại: Dù là tuyển dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời hay là dân ngoại, tất cả mọi người đều đã phạm tội vì bị nô lệ cho tội lỗi. Mỗi người đều cần sự cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi.

Sự cứu rỗi đó đã được Đức Chúa Giê-xu Ki-tô hoàn thành trên thập tự giá bởi sự chết chuộc tội của Ngài cho toàn thể nhân loại. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Ki-tô thì được cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi.

Sự cứu rỗi là bước đầu của một đời sống mới trong Chúa. Đời sống mới trong Chúa là đời sống không còn bị sai khiến bởi quyền lực của tội lỗi và được đầy dẫy năng lực từ Thiên Chúa để có thể sống đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài. Người chưa được cứu thì nô lệ cho tội lỗi, phải hầu việc cho tội lỗi và biến thân thể mình thành công cụ làm ra những sự gian ác và ô uế. Trái lại, người đã được cứu thì được tự do đối với tội lỗi, không còn vâng theo sự sai khiến của tội lỗi mà vâng theo điều răn và luật pháp của Chúa, biến thân thể mình thành công cụ phục vụ Chúa, làm ra những sự công chính, đẹp ý Chúa. Người chưa được cứu bị án phạt của luật pháp Thiên Chúa vì sự phạm tội của mình, tức là bị hư mất đời đời. Người đã được cứu thì được thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa mà còn được Thiên Chúa ban cho địa vị làm con của Đức Chúa Trời.

Người tin nhận Chúa được kết hợp với Đức Chúa Giê-xu Ki-tô trong sự chết, trong sự sống lại, trong sự sống thánh khiết và trong sự sống đời đời của Ngài. Vì thế, người tin nhận Chúa không còn sống hay chết cho chính mình mà là sống cho Chúa và chết cho Chúa, tức là sống và chết theo Lời Chúa.

Dân I-sơ-ra-ên với tính cách là một dân tộc đang tạm thời không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Ki-tô nhưng vẫn có một vị trí trong chương trình của Đức Chúa Trời. Hiện tại, Đức Chúa Trời đem dân ngoại đến với sự cứu rỗi của Ngài và khi số dân ngoại tin nhận sự cứu rỗi đã được trọn thì toàn dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu: “Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp.” (11:25, 26).

Con dân Chúa phải dâng thân thể mình lên Chúa, sống nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa: yêu thương, tiếp nhận lẫn nhau và hòa thuận với nhau trong danh Chúa; yêu thương, tha thứ kẻ thù; vâng phục các bậc cầm quyền; tránh xa những kẻ gây nên bè đảng.

Thư Rô-ma kết thúc với lời tái khẳng định: Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời là cho muôn dân.

Các Phiên Bản Khác của Thư Rô-ma

Theo các nhà giải kinh thì có một số bản sao chép tay của thư Rô-ma chỉ có 15 đoạn thay vì 16 đoạn như chúng ta có trong các bản dịch Thánh Kinh ngày nay. Lời giải thích được đưa ra là: Lá thư chính được viết cho Hội Thánh Rô-ma bao gồm 16 đoạn nhưng khi được sao chép lại để chuyển đến các Hội Thánh khác thì người sao chép chỉ sao chép 15 đoạn mà bỏ bớt đoạn 16, có lẽ cho rằng đoạn 16 chỉ là những lời chào hỏi một số cá nhân tại Rô-ma, cho nên, không cần phải chuyển đến các Hội Thánh khác. Ngoài ra, cũng có một số bản sao chép tay chỉ có 14 đoạn.

Bố Cục

I. Lời Giới Thiệu (1:1-15)

A. Lời chào thăm (1:1-7)

B. Lời cầu nguyện (1:8-15)

II Chủ Đề: “Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời Ban Cho Nhân Loại” (1:16, 17)

III Sự Cứu Rỗi (1:18-5:21)

A. Sự phạm tội của loài người (1:18-3:20)

1. Sự phạm tội của dân ngoại (1:18-32)

2. Sự phạm tội của dân Do-thái (2:1-3:8)

3. Mọi người đều đã phạm tội (3:9-20)

B. Sự được xưng công chính (3:21-5:21)

1. Được xưng công chính qua Đức Chúa Giê-xu Ki-tô (3:21-26)

2. Được xưng công chính bởi đức tin (3:27-4:25)

a. Nguyên tắc của sự được xưng công chính (3:27-31)

b. Minh họa về sự được xưng công chính (4)

3. Kết quả của sự được xưng công chính (5:1-11)

4. Sự không công chính của loài người tương phản với sự xưng công chính của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại (5:12-21).

IV. Sự Thánh Hóa (6-8)

A. Được tự do khỏi tội lỗi (6)

B. Được thoát khỏi án phạt của luật pháp (7)

C. Sống trong quyền năng của Đức Thánh Linh (8)

V. Dân I-sơ-ra-ên Trong Chương Trình Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời (9-11)

A. Sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên (9:1-5)

B. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời (9:6-29)

B. Quyền tự chọn của loài người (9:30-10:21)

C. Sự thành tín của Đức Chúa Trời (11)

VI. Nếp Sống Đạo (12:1-15:13)

A. Thái độ của con dân Chúa đối với Ngài (12:1, 2)

B. Thái độ của con dân Chúa đối với nhau (12:3-6)

C. Thái độ của con dân Chúa đối với người ngoại (12:17-21)

D. Thái độ của con dân Chúa đối với các bậc cầm quyền (13:1-7)

E. Thái độ chung của con dân Chúa đối với mọi người (13:8-10)

F. Sống trong sự sáng (13:11-14)

G. Tình yêu và sự tự do (14:1-15:13

VII. Kết Luận (15:14-16:27)

A. Mục vụ cho dân ngoại (15:14-22)

B. Dự tính của Phao-lô (15:23-33)

C. Lời khen Phê-bê (16:1, 2)

D. Lời chào thăm (16:3-16)

E. Cảnh cáo về những kẻ gây bè đảng (16:17-20)

F. Lời chào thăm từ những người ở cùng Phao-lô (16:21-24)

G. Lời tôn vinh Chúa và khẳng định chủ đề của thư Rô-ma (16:25-27)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/06/2012

Đoạn: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | Phần Giới Thiệu