Đoạn: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | Phần Giới Thiệu
Giới Thiệu Thư Hê-bơ-rơ
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzUxMjI0MTlf/58001_ChuGiaiHeboro_GioiThieuThuHeboro.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58001-chugiaiheboro-gioithieuthuheboro
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/f5bvttfanhg2bac/58001_ChuGiaiHeboro_GioiThieuThuHeboro.mp3/file
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Kể từ thời của Áp-ra-ham, danh từ Hê-bơ-rơ (Hebrew) được dùng để gọi Áp-ra-ham và bất cứ ai thuộc về con cháu của Áp-ra-ham, theo dòng Gia-cốp, tức dân tộc I-sơ-ra-ên. Danh từ này lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 14:13, có nghĩa là: “Người phương xa”, dùng để gọi Áp-ra-ham. Có lẽ hàm ý, Áp-ra-ham là người từ phương xa, từ xứ U-rơ (ngày nay là một di tích nằm về phía bắc của nước I-rắc) theo cha là Tha-rê, tha hương đến Cha-ran (ngày nay là thành phố Harran, thuộc phía cực nam Thổ-nhĩ-kỳ), rồi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, từ Cha-ran đến Ca-na-an.
Như vậy, danh từ Hê-bơ-rơ và danh từ I-sơ-ra-ên đều chỉ chung một dân tộc, bao gồm 12 chi phái, ra từ Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham. Danh xưng I-sơ-ra-ên là tên riêng Đức Chúa Trời ban cho Gia-cốp, có nghĩa: “Người đấu sức với Thiên Chúa”. Ngoài ra còn có danh xưng Giu-đa và Do-thái cũng đều dùng để gọi dân I-sơ-ra-ên. Giu-đa là tên của một trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên và cũng là tên vương quốc phía nam, khi quốc gia I-sơ-ra-ên bị chia làm hai. Sau nhiều nỗi thăng trầm, do phạm tội và bị Đức Chúa Trời hình phạt, chỉ vương quốc Giu-đa phía nam là được phục hồi. Từ đó, danh từ Giu-đa được dùng để gọi chung dân I-sơ-ra-ên. Do-thái là một hình thức phiên âm Hán Việt danh từ Giu-đa.
Sách Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Tân Ước là một lá thư được viết cho con dân Chúa người Hê-bơ-rơ, tức là người I-sơ-ra-ên, con cháu của Áp-ra-ham về phần xác, theo dòng Gia-cốp. Nội dung của sách giúp cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên hiểu rằng:
- Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a, tức Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu, đã được Đức Chúa Trời hứa với dân I-sơ-ra-ên, trong Cựu Ước.
- Sinh tế chuộc tội và chức vụ của thầy tế lễ thượng phẩm trong thời Cựu Ước đều là hình bóng về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Ki-tô và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời của Ngài.
Mặc dù thư Hê-bơ-rơ được viết đặc biệt cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên nhưng sự dạy dỗ trong thư hoàn toàn có ích lợi cho mọi con dân Chúa, cho dù họ thuộc về bất cứ dân tộc nào. Thư Hê-bơ-rơ giúp cho chúng ta hiểu về sự kết hiệp nhiệm mầu giữa bản thể của Thiên Chúa với bản thể của loài người trong Đấng Ki-tô; hiểu sự mầu nhiệm của sự chuộc tội mà Đức Chúa Giê-xu Ki-tô đã làm ra cho chúng ta. Qua đó, khích lệ chúng ta theo gương Đấng Ki-tô chịu khổ, giữ vững đức tin cho đến ngày chúng ta nhận lãnh mọi sự Đức Chúa Trời đã hứa ban cho chúng ta.
Người Viết
Thư Hê-bơ-rơ cũng như các thư I, II, và III Giăng là các lá thư trong Tân Ước không có ghi tên của người viết. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ thứ nhất, các thư I, II, và III Giăng đã được con dân Chúa trong Hội Thánh công nhận là do Sứ Đồ Giăng viết. Có lẽ bởi sự xác nhận của các người đưa thư từ thành Ê-phê-sô, là nơi Giăng cư trú và viết sách Giăng cùng ba lá thư mang tên ông. Ngoài ra, văn phong của ba lá thư mang tên Giăng đều giống với văn phong của sách Tin Lành Giăng, hàm ý, tất cả do cùng một người viết ra. Có lẽ, Sứ Đồ Giăng đã đọc cho một thư ký giỏi tiếng Hy-lạp trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô ghi lại nội dung của sách Giăng và ba lá thư. Chỉ riêng sách Khải Huyền có lẽ do chính Sứ Đồ Giăng viết trong khi ông bị lưu đày trên đảo Bát-mô, nên văn phong khác với sách Giăng và ba lá thư.
Về thư Hê-bơ-rơ thì có nhiều giả thuyết được đưa ra về tên của người viết. Có người cho rằng, người viết là Phao-lô, có người cho rằng, người viết là Ba-na-ba, hoặc Si-la, hoặc A-bô-lô, thậm chí, là Bê-rít-sin… Cũng có người cho rằng, Lu-ca đã dịch thư Hê-bơ-rơ do Phao-lô viết từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, vì văn phong của thư Hê-bơ-rơ có nhiều chỗ giống với văn phong của sách Công Vụ Các Sứ Đồ.
Dựa vào các chi tiết trong thư Hê-bơ-rơ thì chúng ta có thể rút ra được các nhận định sau đây:
- Thư Hê-bơ-rơ là lá thư duy nhất trong Tân Ước, được viết riêng cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên.
Sứ đồ Phao-lô đã được Đức Thánh Linh thần cảm để viết nhiều lá thư cho con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương, giữa vòng các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên. Vì thế, rất có thể, Phao-lô cũng đã được Đức Thánh Linh thần cảm để viết thư Hê-bơ-rơ cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên.
- Thư Hê-bơ-rơ phải do một người I-sơ-ra-ên thông thạo về Cựu Ước viết ra, mới có thể trình bày các chi tiết trong Đền Thờ Thiên Chúa và chức vụ của thầy tế lễ.
Phao-lô, thuộc chi phái Bên-gia-min, là học trò của Ga-ma-li-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:3). Ga-ma-li-ên là giáo sư giảng dạy luật pháp danh tiếng thời bấy giờ của dân I-sơ-ra-ên. Sự giảng dạy luật pháp được nói đến là sự giảng dạy Thánh Kinh Cựu Ước và các điều luật của người Pha-ri-si. Phao-lô và cha của ông đều thuộc phái Pha-ri-si (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:6), một giáo phái trong Do-thái Giáo, là giáo phái của những người tự biệt riêng mình ra để học Lời Chúa và giảng dạy Lời Chúa. Phao-lô còn là một thành viên trong Toà Công Luận của người I-sơ-ra-ên thời bấy giờ, tức là tối cao pháp viện của dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, dù không thuộc dòng Lê-vi, nhưng Phao-lô có sự hiểu biết rõ về sự sắp xếp bên trong Đền Thờ Thiên Chúa, về các nghi thức tế lễ, cũng như về chức vụ của thầy tế lễ thượng phẩm.
- Người viết thư Hê-bơ-rơ có sự hiểu biết về sự thờ phượng Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên trong thế kỷ thứ nhất.
So với các sứ đồ khác hoặc bất cứ môn đồ nào khác của Chúa thời bấy giờ, thì không ai có thể có hiểu biết và kinh nghiệm bằng Phao-lô, một người Pha-ri-si, về phương diện này.
- Không một nơi nào trong thư Hê-bơ-rơ nhắc đến tên của người viết hoặc tỏ ra người viết là một sứ đồ.
Dù Phao-lô có thói quen tự giới thiệu và nhân danh thẩm quyền của sứ đồ trong phần mở đầu mỗi lá thư ông viết cho các Hội Thánh địa phương, giữa vòng các dân tộc không phải là người I-sơ-ra-ên, hoặc cho Tít, Phi-lê-môn, và Ti-mô-thê; nhưng có lẽ Đức Thánh Linh đã khiến ông không tự giới thiệu và nhân danh thẩm quyền của sứ đồ khi viết thư Hê-bơ-rơ. Lý do là để những người I-sơ-ra-ên tập trung vào nội dung của lá thư hơn là tập trung vào người viết. Vào thời ấy, vẫn có nhiều người I-sơ-ra-ên trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đi các nơi khuyên dạy con dân Chúa trong các Hội Thánh giữa vòng các dân ngoại, bảo họ phải vâng giữ các nghi thức thờ phượng thời Cựu Ước. Rất có thể, nếu thư Hê-bơ-rơ được giới thiệu là do Phao-lô viết thì sẽ có nhiều người không đọc hoặc không chịu nghe đọc.
- Người viết thư Hê-bơ-rơ có quen biết những người nhận thư và Ti-mô-thê (Hê-bơ-rơ 13:19, 23).
Chi tiết này phần nào gợi ý người viết thư Hê-bơ-rơ là Sứ Đồ Phao-lô. Phao-lô từng quen biết con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem. Và ngoài Phao-lô thì Ti-mô-thê không đồng hành với ai khác.
- Văn phong của thư Hê-bơ-rơ thuộc loại văn chương cổ điển Hy-lạp, chứng tỏ người viết có học thức về tiếng Hy-lạp, điêu luyện trong việc viết văn bằng tiếng Hy-lạp.
Có thể Phao-lô đã tự viết hoặc đã đọc cho Lu-ca viết thư Hê-bơ-rơ. Vì Lu-ca là người đồng hành với Phao-lô đến Rô-ma trong lần Phao-lô bị tù lần thứ nhất, chờ đợi được xét xử bởi hoàng đế La-mã. Cả Phao-lô và Lu-ca đều có học thức về văn chương Hy-lạp.
- Nội dung của thư Hê-bơ-rơ chú trọng về đức tin.
Là đề tài thường được nhắc đến trong các lá thư của Phao-lô.
- Nội dung của thư Hê-bơ-rơ chú trọng về sự cứu chuộc trọn vẹn của Đấng Ki-tô.
Là đề tài thường được nhắc đến trong các lá thư của Phao-lô.
- Nội dung của thư Hê-bơ-rơ chú trọng về chức thầy tế lễ thượng phẩm của Đấng Ki-tô.
Là đề tài không được nhắc đến trong các thư của Phao-lô, nhưng có thể chính vì thế mà được nói đến rất chi tiết trong thư Hê-bơ-rơ.
- Nội dung của thư Hê-bơ-rơ chú trọng về nếp sống trung tín, đúng theo Lời Chúa.
Là đề tài thường được nhắc đến trong các lá thư của Phao-lô.
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, Sứ Đồ Phao-lô là người đã được Đức Thánh Linh chọn, ban ân tứ, chuẩn bị sẵn, để khi đúng thời điểm thì Ngài thần cảm cho ông viết thư Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng ý kiến và sự suy luận của người khác. Chúng tôi tin rằng, ai là người viết thư Hê-bơ-rơ thì cũng chỉ là người được Đức Thánh Linh chọn dùng để giãi bày lẽ thật cho con dân của Ngài, không ảnh hưởng gì đến sự dạy dỗ mà Đức Thánh Linh muốn cho con dân Chúa nhận lãnh qua nội dung của thư.
Thời Gian và Nơi Viết
Đầu mùa thu năm 60, Tổng Đốc Phê-tu giải giao Phao-lô đến thành Rô-ma. Trên đường đi thì tàu bị chìm. Phao-lô và mọi người trôi dạt lên đảo Man-tơ và ở lại đó khoảng ba tháng, cho đến cuối mùa đông mới theo một tàu tại Man-tơ, đi đến thành Bu-xô-lơ vào mùa xuân năm 61. Phao-lô ở lại với các môn đồ tại Bu-xô-lơ bảy ngày rồi mới đến thành Rô-ma. Phao-lô được phép thuê một nhà trọ để ở với một người lính La-mã canh giữ ông, trong khi chờ đợi được xét xử bởi Sê-sa. Phao-lô ở trọn hai năm tại Rô-ma và công khai rao giảng Tin Lành, không bị ai ngăn cấm. Đó là lần Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma.
Rất có thể Phao-lô đã tận dụng thời gian này để viết thư Hê-bơ-rơ. Có lẽ thư Hê-bơ-rơ được viết trong năm 61 hoặc năm 62. Trong khoảng thời gian này, Phao-lô cũng viết các thư: Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, và Phi-lê-môn. Sau đó thì Phao-lô bận rộn với hành trình truyền giáo lần cuối cùng của ông, cho đến khi ông tử Đạo.
Sau khi Phao-lô được trắng án và được trả tự do vào mùa xuân năm 63, ông đã đi đến đảo Cơ-rết rồi đến thành Ni-cô-bô-li. Có thể xem đây là hành trình truyền giáo lần thứ năm và sau cùng của Phao-lô. Có lẽ, tại Ni-cô-bô-li Phao-lô đã viết các thư I Ti-mô-thê và Tít vào năm 65. Có lẽ cũng trong thời điểm này, Phao-lô đã rao giảng Tin Lành tại Tây-ban-nha cho đến năm 67. Trong thời gian này thì Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô và gây dựng Hội Thánh tại đó. Năm 67, Phao-lô bị bắt trong cơn chính quyền La-mã bách hại Đạo Chúa lần thứ nhất, do Hoàng Đế Nê-rông chỉ thị. Phao-lô bị nhốt tù lần thứ nhì tại thành Rô-ma, và có lẽ đã viết thư II Ti-mô-thê từ trong nhà tù. Năm 68, Phao-lô chết chém vào khoảng tháng năm hoặc tháng sáu năm 68, vào lúc 70 tuổi, trước khi Hoàng Đế Nê-rông của La-mã qua đời vào ngày 9 tháng sáu năm 68.
Trong Hê-bơ-rơ 5:1-3, sự tế lễ trong đền thờ được mô tả bằng thời hiện tại, hàm ý thư Hê-bơ-rơ phải được viết ra trước năm 70, là năm mà Đền Thờ Thiên Chúa bị quân đội La-mã phá hủy. Vì nếu thư Hê-bơ-rơ được viết ra sau năm 70 thì người viết đã dùng thời quá khứ khi nói đến sự tế lễ trong đền thờ. Cuộc chiến tranh giữa dân I-sơ-ra-ên và đế quốc La-mã dẫn đến Đền Thờ Thiên Chúa bị phá hủy bắt đầu từ năm 66.
Chắc chắn là thư Hê-bơ-rơ phải được viết ra ít nhất là trước năm 95. Vì trong năm 95, Giám Mục Clement của Hội Thánh tại Rô-ma đã trích dẫn thư Hê-bơ-rơ trong lá thư thứ nhất của ông gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.
Những Người Nhận
Những người nhận là con dân Chúa người I-sơ-ra-ên. Có lẽ trước hết là cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, rồi sau được chuyển đến con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại các địa phương khác.
Chủ Đề
Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a, tức Đấng Ki-tô, có nghĩa, Đấng được xức dầu, đã được hứa trong Cựu Ước, và là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội một lần đủ cả cho toàn thể loài người.
Câu Gốc
Hê-bơ-rơ 12:1-3
1 Thế thì, chúng ta cũng có những chứng nhân bao quanh chúng ta {như} một đám mây rất lớn; chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi chung quanh chúng ta, bởi sự nhẫn nại {mà} chúng ta chạy cuộc đua đã bày ra trước chúng ta .
2 Hãy nhìn vào Đức Chúa Giê-xu, Đấng Dẫn Đầu và Đấng Kết Thúc của đức tin, Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước Ngài {mà} chịu đựng thập tự giá, xem thường sự sỉ nhục, và được ngồi bên phải ngai của Đức Chúa Trời.
3 Vậy, các anh chị em hãy nghĩ đến Đấng đã kiên trì trước sự những kẻ tội lỗi đối nghịch Ngài dường ấy, để các anh chị em không mỏi mệt {mà} linh hồn của các anh chị em bị nao sờn.
Mục Đích
Mục đích của thư Hê-bơ-rơ nhằm khuyên bảo và khích lệ con dân Chúa người I-sơ-ra-ên giữ vững đức tin trong ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu Ki-tô. Đồng thời, giúp cho họ hiểu rõ ý nghĩa thuộc linh của chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm trong Cựu Ước là làm hình bóng về mục vụ của Đấng Ki-tô trong thời Tân Ước, để họ không bị cám dỗ quay về với cách thờ phượng Thiên Chúa trong thời Cựu Ước. Qua đó, họ học biết về thẩm quyền và năng lực tuyệt đối của Đấng Ki-tô, trong sự chuộc tội và cầu thay cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Nội Dung
Qua thư Hê-bơ-rơ, chúng ta học biết các lẽ thật sau đây:
- Thân vị loài người của Đấng Ki-tô là cao trọng hơn các thiên sứ, và được Đức Chúa Trời ban cho danh xưng của chính Ngài, danh xưng “Đức Chúa Trời” như đã được khẳng định trong Hê-bơ-rơ 1:8-9.
- Trong Đấng Ki-tô có sự yên nghỉ đời đời khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự lao khổ của thân thể xác thịt bởi hậu quả của tội lỗi.
- Đức Chúa Giê-xu Ki-tô là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời của giao ước mới.
- Đức Chúa Giê-xu Ki-tô là sinh tế chuộc tội một lần đủ cả cho loài người.
- Sự khác biệt giữa chức thầy tế lễ của Đấng Ki-tô với các thầy tế lễ dòng Lê-vi.
- Mọi luật pháp về sinh tế chuộc tội và bổn phận của chức vụ thầy tế lễ trong thời Cựu Ước đều là hình bóng cho sự Đấng Ki-tô dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội trong thời Tân Ước, và hình bóng cho chức vụ thầy tế lễ của Đấng Ki-tô trong thời Tân Ước.
- Con dân Chúa phải trung tín sống theo Lời Chúa, giữ vững đức tin, trông chờ lời hứa của Đức Chúa Trời.
- Gương đức tin của con dân Chúa trong thời Cựu Ước.
- Con dân Chúa nhìn vào Đấng Ki-tô để bước đi trong đức tin.
- Con dân Chúa phải sống thánh khiết theo Lời Chúa; vui mừng khi bị Chúa sửa phạt; có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ, khích lệ lẫn nhau; và vâng phục những người Chúa dùng để chăn dắt, dạy dỗ họ.
Bố Cục
I. Lời Giới Thiệu Đấng Ki-tô (1:1-4)
II. Sự Cao Trọng Tuyệt Đối của Đấng Ki-tô (1:5-10:18)
A. Đấng Ki-tô cao trọng hơn các thiên sứ (1:5-2:18)
1. Thần tính của Đấng Ki-tô (1:5-14)
- Nguy hiểm của sự trôi dạt (2:1-4)
2. Nhân tính của Đấng Ki-tô (2:5-18)
B. Đấng Ki-tô cao trọng hơn Môi-se (3:1-6)
-
Nguy hiểm của sự nghi ngờ (3:7-19)
C. Đấng Ki-tô cao trọng hơn Giô-suê (4:1-13)
D. Đấng Ki-tô cao trọng hơn những thầy tế lễ dòng Lê-vi (4:14-7:28)
1. Chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Đấng Ki-tô (4:14-16)
2. Bổn phận của thầy tế lễ (5:1-10)
-
Nguy hiểm của sự thiếu hiểu biết Lời Chúa (5:11-14)
-
Nguy hiểm của sự bội Đạo (6:1-8)
3. Gương sáng của Áp-ra-ham (6:9-20)
4. Đấng Ki-tô là thầy tế lễ đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc (7:1-28)
a) Đấng Ki-tô là thầy tế lễ đời đời (7:1-3)
b) Đấng Ki-tô là thầy tế lễ trọn vẹn (7:4-22)
c) Sự đời đời và trọn vẹn của thầy tế lễ chỉ có trong Đấng Ki-tô (7:23-28)
E. Đấng Ki-tô là thầy tế lễ thượng phẩm duy nhất của chúng ta (8:1-10:18)
1. Đền thờ trên trời (8:1-5)
2. Giao ước mới tốt hơn giao ước cũ (8:6-13)
3. Đền thờ trên trời tốt hơn đền thờ dưới đất (9:1-10)
4. Máu của Đấng Ki-tô cao trọng hơn máu của các sinh tế (9:11-28)
5. Luật pháp về sinh tế chuộc tội là hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đấng Ki-tô (10:1-18)
6. Lời kêu gọi sống theo đức tin (10:19-25)
-
Nguy hiểm của sự xem thường ơn cứu rỗi (10:26-31)
7. Lời kêu gọi nhẫn nại chờ ngày Đấng Ki-tô trở lại (10:32-39)
III. Ân Điển Trong Đấng Ki-tô (11:1-13:17)
A. Đức tin (11:1-40)
B. Hy vọng (12:1-29)
1. Đời sống trong Đấng Ki-tô là một cuộc đua (12:1-3).
2. Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời (12:4-13)
-
Nguy hiểm của sự không giữ mình thánh khiết (12:14-29)
C. Tình yêu (13:1-17)
1. Nếp sống trong gia đình (13:1-6)
2. Nếp sống trong Hội Thánh (13:7-17)
IV. Phần Kết Thúc (13:18-25)
A. Lời xin được cầu thay (13:18-19)
B. Lời chúc phước (13:20-21)
C. Lời chào thăm và lời kết (13:22-25)
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/12/2018
Đoạn: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | Phần Giới Thiệu