Đoạn: 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Phần Giới Thiệu Sách Nhã Ca
Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Xin xem chi tiết trong phần ghi chú ở cuối bài này.
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzA5MzM0Mzdf/22001NhaCa_01_LoiGioiThieu.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22001nhaca_01_loigioithieu
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ne3l75n7hxc355w/22001NhaCa_01_LoiGioiThieu.mp3/file
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Nhã Ca là sách thứ 22 trong 66 sách của Thánh Kinh, thuộc về phần Cựu Ước, nằm trong nhóm các sách thi ca (Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca). Sách Nhã Ca là một bài ca tổng hợp từ nhiều bài thơ được viết trong tiếng Hê-bơ-rơ.
Tất cả các bài ca cũng như các bài cầu nguyện, và phần lớn các sách tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước đều được viết theo thể thơ của tiếng Hê-bơ-rơ. Thơ là một hình thức văn chương cô đọng. Thơ cô đọng thật nhiều ý tưởng vào trong một số rất ít từ ngữ, hình thành những câu văn ngắn, gọn. Vì thế, lối nói tắt, kèm theo những so sánh và ẩn dụ thường được dùng trong thơ. Về thơ trong tiếng Hê-bơ-rơ, muốn hiểu ý nghĩa của một bài thơ người đọc phải quen biết với cách hành văn, ý nghĩa của những thành ngữ, và phong tục, tập quán của người I-sơ-ra-ên.
Sách Nhã Ca cũng như Sách Ê-xơ-tê đều là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, nhưng nội dung lại không hề nói đến Thiên Chúa. Sách Nhã Ca được người I-sơ-ra-ên hát trong đêm Lễ Vượt Qua [1], vì người I-sơ-ra-ên cho rằng, sách Nhã Ca là ngụ ngôn về sự dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa giải cứu khỏi xứ Ê-díp-tô và nhận làm vợ của Ngài. Chính Thiên Chúa đã xác nhận trong Thánh Kinh, Ngài là chồng của dân I-sơ-ra-ên:
“Vì Đấng Tạo Thành của ngươi {là} chồng của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân {là} danh của Ngài. Đấng Cứu Chuộc của ngươi {là} Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên. Ngài sẽ được gọi {là} Thiên Chúa của cả đất.” (Ê-sai 54:5).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này! Những ngày đến, Ta sẽ kết một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa; sẽ không theo giao ước mà Ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt họ ra khỏi đất Ê-díp-tô; là giao ước của Ta mà chúng nó đã phá đi, mặc dù Ta là chồng của chúng nó. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vậy.” (Giê-rê-mi 31:31-32).
Phần lớn các nhà giải kinh trong thời Tân Ước thì cho rằng, sách Nhã Ca là ngụ ngôn về tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Ý tưởng đó được dựa trên lời giãi bày của Sứ Đồ Phao-lô trong Ê-phê-sô 5:25-32.
25 Hỡi những người chồng! Hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh,
26 để thánh hóa, làm cho Hội tinh sạch, {với} sự rửa bởi nước trong lời phán, [Lời phán trong Ma-thi-ơ 28:19-20.]
27 để trình ra cho chính Ngài Hội Thánh vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được.
28 Vậy nên, những người chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy.
29 Vì chẳng có người nào lại ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng và vui hưởng nó, như Chúa {đối với} Hội Thánh.
30 Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.
31 Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt.
32 Đây là sự mầu nhiệm lớn! Nhưng tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh.
Tuy nhiên, nội dung của sách Nhã Ca không phải là ngụ ngôn về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân I-sơ-ra-ên, cũng không phải là ngụ ngôn về tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh, mà là nói về tình yêu thực tế của một đôi vợ chồng trong Chúa, từ khi đính hôn, cho đến khi kết hôn, và tiếp tục chung sống với nhau.
Một trong những nguyên tắc căn bản trong việc giải thích Thánh Kinh là Thánh Kinh phải được giải thích theo nghĩa đen, trừ khi văn mạch cho thấy câu văn phải được giải thích theo nghĩa bóng. Trong Thánh Kinh có nhiều ngụ ngôn và khi ngụ ngôn được ghi chép trong Thánh Kinh thì Thánh Kinh đều xác nhận đó là ngụ ngôn. Những gì không được Thánh Kinh xác nhận là ngụ ngôn thì không phải là ngụ ngôn, mà là thực tế, như lời Chúa phán về âm phủ trong Lu-ca 16:19-31.
Tình yêu, hôn nhân, và quan hệ tình dục của vợ chồng trong Chúa là cơ bản và nền tảng của xã hội loài người. Chúng ta đối diện với thực tế này mỗi ngày trong cuộc sống. Vì thế, không có gì lạ khi Đức Chúa Trời dành ra một sách trong Thánh Kinh, để dạy cho chúng ta biết về điều cơ bản và nền tảng này. Nếu Đức Chúa Trời đã dạy cho chúng ta từng chi tiết nhỏ nhặt, như phải đào hố lấp phân, phải rửa tay hoặc phải tắm rửa khi chạm vật ô uế… thì không thể nào Đức Chúa Trời lại không dạy cho chúng ta về tình yêu, hôn nhân, và quan hệ tình dục giữa vợ chồng. Nhưng qua tình yêu của vợ chồng mà chúng ta hiểu được phần nào tình yêu của Thiên Chúa đối với những ai thuộc về Ngài, nhất là tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh.
Dĩ nhiên quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người không phải là quan hệ tình dục, nhưng qua sự gắn bó mật thiết và vui thỏa trong tình yêu và tình dục của vợ chồng mà Thiên Chúa mạc khải cho loài người biết:
-
Tình yêu và sự hiệp một giữa Thiên Chúa với loài người sẽ mang lại cho loài người sự vui thỏa tuyệt đối, lạ lùng, còn lại cho đến đời đời. Sự vui thỏa trong tình yêu và tình dục của vợ chồng giúp minh họa cho sự vui thỏa tuyệt đối trong tình yêu và sự hiệp một giữa loài người với Thiên Chúa.
-
Mặc dù Thiên Chúa yêu muôn loài vạn vật do Ngài sáng tạo, nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người là cao trọng nhất. Thiên Chúa đã phó chính mình Ngài cho loài người. Thiên Chúa cũng muốn loài người yêu Ngài trên hết mọi sự và phó chính mình họ cho Ngài. Tất cả những ai chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa đều là những người đã chứng minh tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa là tuyệt đối.
-
Lẽ sống của loài người chính là sự được vui thỏa tuyệt đối trong tình yêu của Thiên Chúa.
Mặc dù sách Nhã Ca không phải là ngụ ngôn về Đấng Christ nhưng sách Nhã Ca có hàm ý về Đấng Christ. Vì cả Thánh Kinh đều nói về Đấng Christ:
“Bắt đầu từ Môi-se và hết thảy các tiên tri, Ngài giảng giải cho họ những điều chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh.” (Lu-ca 24:27).
Khi chúng ta đọc và suy ngẫm sách Nhã Ca, trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu xem Lời Chúa dạy gì cho chúng ta về tình yêu, hôn nhân, và quan hệ tình dục giữa vợ chồng. Kế tiếp là chúng ta tìm hiểu về tình yêu của Đấng Christ và Hội Thánh, được hàm ý trong tình yêu của vợ chồng.
Tên Sách
Từ ngữ “nhã ca” là một từ Hán Việt, có nghĩa là bài ca thanh cao, tốt đẹp, đáng nghe và đáng hát. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh thì tên sách là: “Bài Ca của Các Bài Ca, của Sa-lô-môn”, dựa theo lời mở đầu trong Nhã Ca 1:1. Nói cách khác, Nhã Ca 1:1 chính là tựa sách.
Cách nói “bài ca của các bài ca” hàm ý, bài ca tuyệt vời nhất trong các bài ca; tương tự như cách nói: Vua của muôn vua và Chúa của muôn Chúa! I Các Vua 4:32 cho biết, Vua Sa-lô-môn nói 3.000 câu châm ngôn và làm 1.005 bài ca. Như vậy, trong cả 1.005 bài ca do Sa-lô-môn viết ra thì Nhã Ca là bài ca tuyệt vời nhất.
Người Viết
Mặc dù Nhã ca 1:1 chép: “Bài ca của các bài ca, của Sa-lô-môn”, nhưng một số nhà giải kinh không cho rằng, sách Nhã Ca do Vua Sa-lô-môn viết ra. Vì theo họ, Vua Sa-lô-môn với bảy trăm vợ và ba trăm vợ bé, phần lớn là những người nữ thuộc dân ngoại (I Các Vua 11:3), mà dường như người vợ đầu tiên của Sa-lô-môn lại là một công chúa của xứ Ê-díp-tô (I Các Vua 3:1), thì không thể nào Sa-lô-môn là tác giả của sách Nhã Ca. Tuy nhiên, có mấy điểm chúng ta cần lưu ý ở đây:
-
Vua Sa-lô-môn là người được Đức Chúa Trời yêu và ban cho sự khôn sáng vượt trên tất cả những người cùng thời với ông. Với sự khôn sáng ấy, Sa-lô-môn có thể nhận thức, cảm xúc, và diễn tả tình yêu chân thật giữa một người nam và một người nữ.
-
Sách Nhã Ca có thể được Sa-lô-môn viết ra trong buổi đầu khi ông mới lên làm vua, chưa sa ngã vào trong sự phạm tội.
-
Khi Đức Chúa Trời muốn thì Ngài dùng Sa-lô-môn để truyền đạt những gì Ngài muốn dạy dỗ loài người, như Ngài đã dùng ông viết sách Châm Ngôn và sách Truyền Đạo. Khi Đức Chúa Trời muốn dạy cho con dân của Ngài về tình yêu nam nữ thì không ai thích hợp để Đức Chúa Trời dùng làm công cụ truyền đạt ý muốn của Ngài hơn là Vua Sa-lô-môn. Có thể nói, sách Nhã Ca cùng với hai sách Châm Ngôn và Truyền Đạo, do Vua Sa-lô-môn viết ra, bởi sự thần cảm của Thiên Chúa, là kho tàng của sự trí thức cần và đủ, giúp cho loài người sống một nếp sống bình an, vui thỏa.
Chúng ta hãy chấp nhận điều mà chính Thánh Kinh đã công bố: Sách Nhã Ca là bài ca tuyệt vời nhất trong các bài ca của Sa-lô-môn. Vì thế, tác giả của sách Nhã Ca chính là Vua Sa-lô-môn.
Một lời nhắn nhủ bên lề: Khi đọc các sách giải kinh, chúng ta cần chú ý đến phong cách giải kinh của người giải kinh. Nếu người giải kinh bỏ qua những gì do chính Thánh Kinh công bố mà chú trọng về lý luận, quan điểm, kiến thức của loài người, thì chúng ta không nên đọc sách giải kinh do người ấy biên soạn. Vì sự giải kinh của họ chỉ theo ý riêng và sự khôn sáng của xác thịt, không có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Điển hình là chúng ta không đọc sách giải kinh của những người không tin là Thiên Chúa đã dựng nên toàn thể thế giới vật chất trong sáu ngày, mà mỗi ngày gồm có buổi tối và buổi sáng, tương đương với 24 tiếng đồng hồ. Chúng ta cũng không đọc sách giải kinh Nhã Ca nào mà tác giả không công nhận sách Nhã Ca là bài học thực tế từ Đức Chúa Trời về tình yêu, hôn nhân, và tình dục trong quan hệ vợ chồng.
Chúng ta cũng cần ghi nhớ điều này, các sách giải kinh tốt nhất và ngay cả các bài giảng, đến từ sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, đều chỉ là sự dạy dỗ chung và cơ bản về Lời Chúa cho Hội Thánh. Mỗi một con dân chân thật của Chúa nên tự mình đọc và suy ngẫm Lời Chúa, để tìm kiếm sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh cho chính bản thân mình. Vì thế, chúng tôi đề nghị quý ông bà anh chị em, ngoài việc đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày theo lịch trình riêng của mình, cũng hãy dành thời gian để đọc, nghe lại bài giảng hàng tuần của chúng tôi ít nhất một lần, và tự mình suy ngẫm phân đoạn Thánh Kinh mà chúng tôi đã chia sẻ. Quý ông bà anh chị em hãy ghi lại những điều mình học được và chia sẻ lại cho người khác qua các phương tiện truyền thông. Nếu quý ông bà anh chị em làm theo lời khuyên này của chúng tôi, thì sau ba tháng quý ông bà anh chị em sẽ thấy mình tiến bộ lạ lùng trong sự hiểu biết Lời Chúa và trong sự tương giao với Chúa. Sau một năm, quý ông bà anh chị em sẽ trở thành những trụ cột trong Hội Thánh về sự hiểu biết Lời Chúa, và sẽ kinh nghiệm sự mật thiết càng hơn trong sự tương giao với Chúa.
Thời Gian và Nơi Viết
Sa-lô-môn con của Vua Đa-vít, được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem, lên làm vua của dân I-sơ-ra-ên vào năm 970 TCN và trị vì suốt 40 năm, qua đời vào năm 930 TCN [2], [3]. Dựa vào sự kiện tên của Sa-lô-môn được nhắc đến trong Nhã Ca với chức vụ vua mà chúng ta biết rằng, sách Nhã Ca được viết sau khi Sa-lô-môn đã lên làm vua (Nhã Ca 3:9, 11). Chúng ta không biết Sa-lô-môn được bao nhiêu tuổi khi ông lên làm vua, nhưng có lẽ là dưới 20 tuổi. Theo Thánh Kinh thì 20 tuổi là tuổi trưởng thành, nhưng Vua Sa-lô-môn tự xưng mình là một đứa bé, trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa, được chép trong I Các Vua 3:1-7, mặc dù lúc ấy ông đã cưới con gái của Pha-ra-ôn làm vợ. Trong I Sử Ký 29:1, trước khi trao lại vương quyền cho Sa-lô-môn, Vua Đa-vít cũng đã nói với toàn thể triều đình và gia đình của ông rằng, Sa-lô-môn hãy còn trẻ tuổi và non nớt.
Rất có thể, sách Nhã Ca đã được viết ra tại Giê-ru-sa-lem, và được viết trong khoảng thời gian vài năm trước hoặc sau khi Sa-lô-môn đã hoàn tất việc xây cất đền thờ Thiên Chúa và cung điện của mình.
Nếu năm 970 TCN Sa-lô-môn được 19 tuổi khi lên làm vua thì năm 959 TCN ông được 30 tuổi, vừa lúc hoàn thành xong công tác xây dựng đền thờ Thiên Chúa. Đền thờ Thiên Chúa được xây dựng trong bảy năm, từ năm 966 TCN đến năm 959 TCN. Sách Nhã Ca có thể được viết trong khoảng thời gian từ năm 964 TCN cho đến năm 954 TCN, khi Sa-lô-môn vào khoảng tuổi 25 đến 35.
Chúng ta không biết Sa-lô-môn bắt đầu sa vào trong sự phạm tội từ khi nào, nhưng chắc chắn phải là sau khi ông được 30 tuổi. Vì lời cầu nguyện dâng hiến đền thờ lên Thiên Chúa của ông, vào năm 959 TCN, vẫn được Đức Chúa Trời tiếp nhận.
Chủ Đề
Tình yêu, hôn nhân, và tình dục trong hôn nhân.
Câu Gốc
“Hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của nó là sự nóng cháy của ngọn lửa. Nước nhiều không dập tắt được tình yêu; những dòng sông cũng chẳng thể cuốn trôi nó đi. Cho dù một người hiến hết gia tài của mình vì tình yêu, thì cũng chẳng đáng gì.” (Nhã Ca 8:6-7).
Mục Đích
Nội dung của sách Nhã Ca dạy cho con dân Chúa biết về đời sống vợ chồng. Qua đó, con dân Chúa học biết rằng:
-
Tình yêu nam nữ là tình cảm tuyệt vời trong cuộc sống. Tình yêu nam nữ phải chung thủy, tận hiến, và hướng đến hôn nhân. Chung thủy là cứ yêu mãi, không thay đổi. Tận hiến là hoàn toàn hướng lòng về người mình yêu và hết lòng phục vụ người mình yêu, sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Khi đến thời điểm, hai người yêu nhau phải kết hiệp làm một trong hôn nhân.
-
Sự ưa thích sắc đẹp của người mình yêu không có gì sai nghịch Thánh Kinh. Và như vậy, sự một người giữ gìn, trau dồi sắc đẹp của mình cũng không có gì sai nghịch Thánh Kinh, trừ khi người ấy đặt sắc đẹp của mình trên hết mọi sự, hoặc bắt chước những người không có Chúa mà trang điểm không thanh nhã, quá loè loẹt, hoặc ăn mặc lộ liễu thân thể nhằm khiêu gợi tình dục.
-
Vợ chồng nên thường xuyên khen những nét đẹp của nhau.
-
Tình yêu chân thật không chấp nhặt lỗi lầm của người mình yêu, và khi mình có lỗi thì phải lập tức sửa lỗi.
-
Lòng khao khát được vui thỏa trong quan hệ tình dục với người mình yêu là điều chính đáng. Vợ chồng nên thẳng thắn nói ra với nhau sự khao khát tình dục của mình.
-
Khoái cảm tình dục là ơn ban cho của Thiên Chúa. Sự quan hệ tình dục phải ở trong khuôn khổ luật pháp của Thiên Chúa, chỉ có thể diễn ra trong quan hệ vợ chồng giữa người nam và người nữ. Sự giao tình để hiệp một thân thể của vợ chồng với nhau chỉ có thể thực hiện sau hôn lễ.
-
Không riêng gì bộ phận sinh dục mà các chi thể trong thân thể đều cảm xúc khoái cảm tình dục. Nói cách khác, chức năng chính của bộ phận sinh dục là lưu truyền dòng dõi qua việc thai dựng và sinh con, nhưng không phải chỉ có bộ phận sinh dục mới có chức năng tình dục, mà các chi thể trong thân thể của chúng ta đều rung động trong khoái cảm tình dục, như: mắt, mũi, gò má, cổ, môi miệng, bên trong miệng, ngực, cánh tay, đùi, v.v..
Nội Dung
Sách Nhã Ca là một bài ca hát theo thể đối đáp, một thể loại thi ca cổ trong văn chương của người I-sơ-ra-ên [4]. Nội dung của sách Nhã Ca là câu chuyện tình giữa Vua Sa-lô-môn và một thôn nữ tên là Su-la-mít.
Sa-lô-môn dù là vua nhưng cũng có lúc tự mình chăn một bầy chiên trong các vườn nho của mình. Có lẽ đó là sở thích của ông. Mặc dù là một thôn nữ nhưng Su-la-mít là con gái của một gia đình quý tộc. Gia đình quý tộc trong xã hội I-sơ-ra-ên thời bấy giờ là một gia đình giàu có, danh tiếng, có người là trưởng lão trong dân I-sơ-ra-ên hoặc làm quan trong triều đình. Các anh của Su-la-mít giữ việc chăm sóc các vườn nho của Sa-lô-môn và sai Su-la-mít phụ việc chăm sóc vườn. Có lẽ Sa-lô-môn gặp được Su-la-mít trong một lần đi thăm vườn và hai người yêu nhau.
Sách Nhã Ca bắt đầu vào thời điểm Sa-lô-môn và Su-la-mít đã đính hôn, và chia thành bảy hồi.
Hồi thứ nhất (1:2-11): Có lẽ, đây là giai đoạn Su-la-mít đã được đưa vào ở trong một khuôn viên đặc biệt trong kinh thành, để chuẩn bị cho hôn lễ. Thời gian chuẩn bị kéo dài khoảng một năm theo phong tục của dân I-sơ-ra-ên cũng như của các dân vùng Trung Đông thời bấy giờ (tham khảo Ê-xơ-tê 2:12). Sa-lô-môn mời Su-la-mít tham quan cung điện. Bài hát mở đầu với niềm khao khát của Su-la-mít. Nàng ước gì được người yêu hôn khi nàng đến thăm người yêu. Nàng muốn biết, khi người yêu chăn bầy chiên của chàng thì chàng nghỉ trưa ở nơi nào, để nàng tìm thăm. Kế tiếp là lời Sa-lô-môn và Su-la-mít khen nhau về sắc đẹp của người mình yêu.
Hồi thứ nhì (1:12-2:7): Sau đó, họ cùng nhau đi vào rừng cây hương nam và tiếp tục nói những lời tốt đẹp về nhau. Buổi chiều, Sa-lô-môn đưa Su-la-mít vào phòng ăn trong cung điện. Trong bữa ăn, Su-la-mít mơ nghĩ đến chuyện âu yếm giữa hai người.
Hồi thứ ba (2:8-3:5): Mùa đông trôi qua, mùa xuân đến. Thời gian đính hôn đã tròn một năm. Tình yêu giữa Sa-lô-môn và Su-la-mít đã chín mùi cho sự kết hôn. Nhưng Su-la-mít có cơn ác mộng trước ngày cưới. Nàng mơ thấy Sa-lô-môn không có mặt bên cạnh nàng, và trong giấc mơ, nàng đi tìm chàng. Cũng trong giấc mơ, khi tìm gặp được Sa-lô-môn thì Su-la-mít đưa chàng về nhà mẹ của nàng.
Hồi thứ tư (3:6-5:1): Thế rồi, ngày kết hôn đến, Vua Sa-lô-môn sang trọng và uy nghi trong buổi rước dâu. Sa-lô-môn ngắm nhìn nàng dâu trong đêm tân hôn và hết lời ca tụng sắc đẹp của nàng dâu. Su-la-mít mời gọi người yêu giao tình với mình. Sa-lô-môn đáp lời, giao tình với Su-la-mít.
Hồi Thứ Năm (5:2-6:3): Dù Su-la-mít yêu chồng tha thiết, nhưng có một lúc Su-la-mít đã không hết lòng với Sa-lô-môn. Có một lần, vào lúc gần sáng, khi Su-la-mít đang ngủ, thì Sa-lô-môn đến, gõ cửa phòng. Su-la-mít đã không trỗi dậy để mở cửa phòng ngay, vì nghĩ đến việc phải mặc lại quần áo, và phải rửa lại chân. Khi Su-la-mít thấy Sa-lô-môn thò tay vào lỗ cửa, tìm cách mở then cửa, thì lòng nàng rung động, nàng trỗi dậy mở cửa cho chồng. Nhưng khi cửa mở, thì Sa-lô-môn đã không còn ở đó. Su-la-mít vội chạy ra ngoài tìm chồng nhưng không thấy, mà lại bị lính canh đánh đập, vì hiểu lầm nàng là gái điếm. Khi Su-la-mít hỏi thăm những phi tần và mỹ nữ của Sa-lô-môn về Sa-lô-môn thì bị họ mỉa mai. Nhưng Su-la-mít không quan tâm đến sự mỉa mai của họ mà tha thiết ca ngợi chồng của mình. Sau đó, Su-la-mít chợt nghĩ ra là Sa-lô-môn đã đi vào trong vườn của chàng, và nàng đi đến đó để tìm chàng.
Hồi thứ sáu (6:4-7:9): Khi Sa-lô-môn nhìn thấy Su-la-mít đến, chàng không một lời quở trách, nhưng ca ngợi nàng, xác nhận nàng là người yêu duy nhất của mình, dù khi ấy, Sa-lô-môn đã có 60 hoàng hậu, 80 quý phi, và vô số cung nữ đồng trinh.
Hồi thứ bảy (7:10-8:14): Tình yêu của Sa-lô-môn và Su-la-mít cứ lớn dần và vững bền theo thời gian. Họ cùng nhau đi về thăm miền quê, về thăm nhà mẹ của Sa-lô-môn. Tại đó, họ yêu nhau mặn nồng và xác chứng tình yêu họ dành cho nhau sẽ không bao giờ thay đổi.
Bố Cục
Sách Nhã Ca có thể được bố cục như sau:
I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)
A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)
B. Tình yêu chín muồi (2:8-3:5)
II. Hôn lễ (3:6-5:1)
A. Cảnh rước dâu (3:6-11)
B. Đêm tân hôn (4:1-5:1)
III. Đời sống hôn nhân (5:2-8:14)
A. Lỗi nhỏ trong tình yêu (5:2-6:3)
B. Tình yêu không chấp nhặt (6:4-7:9)
C. Tình yêu cứ mặn nồng theo thời gian (7:10-8:14)
Những đôi vợ chồng trong Chúa nên thường xuyên cùng nhau đọc và suy ngẫm sách Nhã Ca, nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng bằng Lời Chúa; cùng lúc qua tình yêu của vợ chồng mà cảm nhận càng hơn tình yêu của Đấng Christ và Hội Thánh.
Cảm tạ ơn Chúa vô cùng, vì qua sách Nhã Ca, Ngài đã chu đáo, ban cho chúng ta sự dạy dỗ về tình yêu nam nữ và nếp sống vợ chồng trong Chúa. Nguyện Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa trong sách Nhã Ca. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/09/2018
Chú Thích
A. Karaoke Thánh Ca: “Tôn Vinh Danh Jesus”
https://www.timhieuthanhkinh.net/karaoke/ton-vinh-danh-jesus/
B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
[1] https://www.chabad.org/holidays/passover/pesach_cdo/aid/1708/jewish/The-Song-of-Songs.htm
[2] Xem tiết mục “Năm Do-thái 2315”: http://kytanthe.net/?p=40
[3] http://www.biblestudy.org/prophecy/israel-kings.html
[4] Nghe người I-sơ-ra-ên hát Nhã Ca 2:10-17 trong tiếng Hê-bơ-rơ tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=zFPMIVi90lc